Lần đầu tiên sau rất nhiều năm Đổi mới, GDP Việt Nam chứng kiến mức giảm 6,17% trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, khoảng 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Như vậy, bình quân 1 tháng có khoảng 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Những con số này đặt ra những nhiệm vụ vô cùng thách thức trong việc phục hồi kinh tế những tháng còn lại của năm.
Vậy cơ hội phục hồi nằm ở đâu?
"Tôi thấy ngành nào cũng có cơ hội, có ngành đi trước có ngành đi sau nhưng nên tính cơ hội theo nghĩa tổng thể và mỗi ngày đều phải tìm thấy, các cơ hội nhận diện cho mình để chuẩn bị" - PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhận định.
Chuyên gia này cho rằng: Để nền kinh tế đứng dậy và chớp thời cơ thì yêu cầu bắt buộc phải để cho doanh nghiệp Việt Nam đứng dậy thật nhanh, chứ không thì gay go. Lúc ấy, chúng ta phải chấp nhận một giải pháp mạnh, thậm chí là bội chi ngân sách, vay của những gói cứu trợ trực tiếp lớn.
Mới đây, một gói kích cầu lớn với quy mô lên tới 10% GDP đã được đề xuất. Gói hỗ trợ này có phải quá lớn? Sẽ ưu tiên cho lĩnh vực, ngành nghề hay doanh nghiệp nào? Ngoài gói hỗ trợ, những động lực nào sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc trong những tháng còn lại của năm?
Gói 2% GDP còn vất vả như thế, thì 10% sẽ còn vất vả hơn nhiều!
Để tổng kết lại, một kịch bản trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sẽ xảy ra với điều kiện nào và khi nào?
Có lẽ, điều kiện đầu tiên là phải thống nhất được cái cách đặt vấn đề. Cái cơ hội đang đặt ra cho Việt Nam nó như thế nào. Chúng ta có khủng hoảng Covid-19 này như là một cơ hội. Cái cơ hội ấy nó tích hợp được với cái cơ hội chuyển đổi số, công nghệ cao. Thậm chí là cơ hội của những xung đột quốc tế mang lại.
Đấy là dòng dịch chuyển vốn đầu tư đang là kết quả của sự cạnh tranh, xung đột quốc tế.
Thế thì, con Covid-19 này là một khủng hoảng, ta coi nó như một cơ hội thì lúc đó là chương trình phục hồi nó sẽ khác hẳn. Chương trình đấy không chỉ là cứu cái cũ, cứu nền kinh tế đang khổ sở, mà còn chủ yếu nâng nền kinh tế lên tầm khác.
Ta lại đang chuyển đổi, mà lại còn đang có cái thế để tiếp cận với nguồn lực của thế giới thông qua các FTA, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các quan hệ hiện nay đang diễn ra mà theo tôi, họ đang sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam một cách tích cực.
Thứ hai, soạn thảo ngay lập tức một chương trình phục hồi. Mà hiện nay nội dung chưa rõ, chưa được công bố. Cái chương trình này thì tôi chưa biết, nhưng cái tinh thần mà chúng ta đã nói từ đầu là tích cực, đột phá, cái chương trình đó là phải bảo đảm được cái đấy.
Nó có những cái rủi ro trong đấy, đương nhiên bất bình thường là nó sẽ có rủi ro, bỏ tiền ra lúc này kiểu gì nó chẳng có cái văng viếc lung tung ra, nó dây ra khắp nơi, làm sao mà làm nhanh được, đang cần tốc độ cao để cứu trợ làm sao mà nó không văng ra được.
Giống như cô Thủy Tiên mà đi cứu trợ, giữa lúc lũ lụt mà cứ đòi sao kê, đang mưa gió thế thì sao kê thế nào. Nhưng chúng ta phải thấy rằng là, cái nhiệm vụ cứu trợ tổng thể là chấp nhận cái phần rủi ro thế là bao nhiêu phần trăm, để bảo đảm cho hành động cứu trợ như một lợi ích chiến lược nó đang được thực thi. Thì cái chỗ này là cái chỗ phải làm.
Nhiều khi hiện nay cái lực lượng cân đo đong đếm nhiều quá, họ rất tốt thôi, họ muốn cho hoàn thiện, hoàn mỹ, nhưng về mặt quyết sách chiến lược thì cần phải có những mạnh dạn và đặt lợi ích tổng thể và lợi ích chiến lược lên hàng đầu, để mà cân nhắc.
Vì thế, bảo đảm được cho những hành động tránh được rủi ro.
Để tôi nói lại, hiện nay vẫn là nói tranh luận bao nhiêu % GDP gói hỗ trợ, tôi nghĩ rằng là, có lẽ là nó không thể bé như năm ngoái là 2% được, có thể nó không đến mức như Nhật Bản, đến 40-50%. Họ khác, họ có hệ thống bảo đảm khác và thực lực của họ khác. Nhưng ta cũng không nên quá thấp. Tôi nghĩ 10% GDP trong 2 năm hoặc hơn, để chúng ta tính được. Vậy cái hợp lý chỗ nào, chúng ta có thể tính khoảng 8, hoặc 12 thì tính cái chỗ đấy làm sao để vừa an toàn cho hệ thống, đồng thời tạo được động lực phục hồi và nắm bắt thời cơ tốt nhất.
Muốn như vậy thì phải đòi hỏi sự kỳ công thôi, chứ chương trình đấy không tự đến với mình, và thực thi chương trình ấy sẽ là câu chuyện đòi hỏi cái hoạt động giám sát và kiểm tra nó tích cực, chứ không như thông thường được. 2% nó đã khổ sở như thế, thì 10% nó còn vất vả hơn nhiều. Nhưng lần này là chúng ta vẫn phải làm. Cái lúc này đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn gấp bình thường. Tôi tin nếu chúng ta có một hệ thống khuyến khích đúng thì chúng ta sẽ làm được.
Đây là lúc đất nước phải “bơm máu” ra thật nhanh, nếu không là “ngất”
Những điều ông vừa chia sẻ được xem là những "nút thắt" bên ngoài, vậy còn những "nút thắt" khác thì sao, và những cơ hội, khả năng để giải cứu những "nút thắt" này như thế nào?
Thực ra thì nói lại cái "nút thắt" thì rất là dài dòng, bởi vì những "nút thắt" từ trước đến nay của ta vẫn còn nhiều. Khi mà chúng ta nói đến việc tái cơ cấu một chương trình 10 năm mà vẫn chưa tháo gỡ được, chưa hoàn thành được, thì có nghĩa là nhiều "nút thắt" quá, hoặc là nhiệm kỳ Chính phủ trước nỗ lực là Chính phủ kiến tạo, gỡ rất nhiều nhưng cũng không gỡ hết được, vẫn còn nhiều thứ khó nhất chưa gỡ được. Cái gì mà chưa gỡ chắc chắn là khó nhất rồi.
Thứ hai, trong khi gỡ cái này họ lại phải chuyển sang cái khác. Cái quá trình tư duy rất tiến bộ, làm một luật thay cho nhiều luật nó vẫn đang tiếp tục diễn ra trong cái gọi là khó khăn. Đấy là "nút thắt" về thể chế. Chúng ta biết được rằng, cái chỗ này là cái chỗ, cái chung là chúng ta, nhiều điểm là phải vượt qua. Con Covid-19 có thể che mờ những cái đấy đi, ta lo những cái đấy, nhưng những cái "nút thắt" đấy nó vẫn tồn tại.
Thứ hai, bản thân thực lực của chúng ta yếu, cụ thể cái ta gọi là kết cấu của các lực lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thành một lực lượng đúng nghĩa. Nó vẫn rời rạc, vẫn cứ gọi là đứng bên cạnh nhau. Nó đã yếu rồi mà nó đứng cạnh nhau thì nó càng yếu.
Thêm 1 cái phần nữa ta phải mở ra, trong cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, lực lượng kinh tế Việt Nam có phần là nội địa, bản địa với nước ngoài, FDI liên kết với nhau chẳng có được bao nhiêu. Thế ta lớn lên chậm, ta mời họ vào chỉ có mỗi giúp cho chủ yếu tăng GDP, một ít thuế, mà thuế không được nhiều bởi ưu đãi nhiều quá. Tạo ra ít việc làm, nhưng việc làm lương thấp. Tất nhiên đấy là vấn đề của chúng ta, nhưng cái cách tiếp cận doanh nghiệp nước ngoài như thế là tầm nhìn rất hạn chế.
Một cái "nút thắt" nữa, mà tôi cho là quan trọng hơn tất cả, chứ không dần dần cũng ít người nhắc đến, bởi vì nó sờ sờ ra. Các thị trường chậm phát triển. Ví dụ như ta thấy, luật đất đai Quốc hội đang ráo riết, chậm cái là không thể chấp nhận được, phải đẩy nhanh. Bởi vì sao? Vì thị trường đất đai đang có chuyện, lãnh thổ quốc gia thì tôi không bàn, nhưng không có cái chuyện để mà phải thay đổi luật đất đai. Luật đất đai là liên quan đến thị trường đất đai, rõ ràng là nó nóng như thế là vì thị trường đất đai.
Thị trường đất đai cũng như thị trường năng lượng hay lao động thôi, nó đều có vấn đề cả. Thế thì, các thị trường chúng ta 30 năm phát triển nếu vẫn như thế thì quả thật cái "nút thắt" này là cái "nút thắt" ghê gớm. Ta phải hiểu như thế.
Có một điểm nữa liên quan đến tư duy, đó là "nút thắt" ở chỗ, càng thích chỉnh sửa hơn cải cách. Thích gọi là cơi nới hơn là đổi mới.
Nó là những cái "nút thắt" lớn.
Còn về "nút thắt" cụ thể, tôi cho là nó cũng có. Ví dụ như là lãi suất cao mãi thế mà không hạ được.
Đứng về mặt tuyệt đối, nó cao gấp 2-3 lần, gấp 3-4 lần các nước khác, nói thế là cũng thấy kinh đấy. Bởi vì của ta hiện nay vay 9-10%, bình quân 8%, trong khi các nước khác bình quân khủng hoảng xuống 1%. Chỉ có 4-5% nhưng đấy là 2-3 lần đấy. Bởi vì họ 2% ta 8% là cao gấp 4 lần rồi. Từ đó, chúng ta mới thấy doanh nghiệp của ta yếu, mà cái mặt bằng lãi suất nó cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn lắm. Vậy làm sao xử lý được những cái này. Đấy là khái niệm về những "nút thắt" ở tầm chiến lược.
Chứ còn thể chế để mà giải tỏa ra cũng là câu chuyện, chứ không phải thể chế là chỗ này hành một tý, chỗ kia hành 1 tý, ngâm tôm thêm 1 ít, thế là cả cái nền kinh tế nó chậm, chậm mãi đi.
Lấy ví dụ là từ câu chuyện đầu tư công, hay lãi suất mà bung ra là ta gỡ được 2 tuyến liền. Đầu tư công là gì, giải ngân không được, chậm vô cùng. Vì sao? Do thủ tục chứ do gì, tiền đầy kho mà, lúc nào chả có 600-700 nghìn tỷ. Không giải ngân được vì sao, thì chỉ có vì thủ tục thôi.
Tất nhiên là có năng lực yếu kém của doanh nghiệp. Vậy năng lực yếu kém của doanh nghiệp là do đâu. Tức là họ không hấp thụ được bởi vì lâu nay có cho nó lớn đâu, mà không cho lớn là do thủ tục đây này. Thế thì vấn đề là thủ tục, vậy thì lúc này phát hiện ra đất nước phải "bơm máu" ra thật nhanh, nếu không là "ngất".
Cách tiếp cận cần phải là cứu ‘người khỏe’, để người khỏe cứu người yếu
Nhưng trong cái bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào cũng đang rất khó khăn, việc chọn một người thắng cuộc để hỗ trợ như vậy thì có khả thi không?
Những ông nào có điều kiện đứng dậy trước, có khả năng đứng dậy trước, ông nào khỏe hơn, đứng dậy được trước và có khả năng lôi kéo được các ông khác đứng dậy, lan tỏa văn hóa đứng dậy, thì tôi sẽ dành ưu tiên cho các ông ấy.
Tôi lấy một ví dụ rất kinh điển, trong nhà có 10 đứa con, hiện này là đói siêu vẹo, chỉ có mỗi 2 bơ gạo mà chia cho 10 người, toàn sức trẻ cả, còn bố mẹ, ông bà con nít thì chắc là "chết hết".
Nhưng mà bây giờ là không phải câu chuyện là bảo toàn được tất cả được, bây giờ phải cứu cái gia đình, cho nên là 2 bơ gạo này tập trung nuôi 3 thằng khỏe nhất còn tất cả phải nhịn, cố nhịn.
3 người khỏe nhất đứng dậy được đi làm, phải mang về là 20 bơ gạo hay 10 bơ gạo. Từ 2 bơ thành 10 bơ, 10 bơ về ấy là cứu tiếp, cứu thêm được 3 người nữa, như thế mới được chứ.
Ăn đủ no rồi còn nếu mà không ông nào cũng đứng dậy run chân run tay sập xuống cả thì cái gia đình ấy thì chắc là sẽ không tồn tại. Làm như thế sẽ có thể là sẽ có những cái rủi ro, những người yếu quá không trụ được, nhưng cái gia đình ấy là đứng dậy được. Nguyên lý là như thế.
Cho nên ở đây cái lợi ích không phải là bố thương 2 cái thằng kia mà đây là bố thương cả gia đình, bố thương cả tương lai của đất nước này, thì đấy là cách đặt vấn đề. Tôi hay nói có khi nên hỗ trợ cái người khỏ,e thì nhiều ông bảo tất cả đều cần cả. Tất cả đều cần thì đã có những cái chính sách chung rồi, ví dụ như phí này ví dụ thuế này rồi ai cũng được hưởng cả.
Chính phủ không có bỏ rơi, nhưng để mà đứng dậy được thì Chính phủ phải hỗ trợ riêng cho mấy ông này trước để rồi kéo nhau đứng dậy, còn những cái đấy là bảo đảm, đến đấy mà còn không được thì thôi. Cách tiếp cận là cứu người khỏe để người khỏe cứu người yếu, đúng theo cái nguyên lý của dân tộc này, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Đây là lúc phải bỏ tư duy ‘kỳ thị người giàu quá mức’!
Chúng ta đã nhắc đến khu vực tư nhân, khu vực khởi nghiệp sáng tạo… Vậy còn những doanh nghiệp trước giờ chúng ta vẫn gọi là "đại bàng Việt Nam" thì sao?
Đây cũng là một điểm thú vị trong vấn đề phục hồi. Theo như chuyên gia của Dragon Capital, nền kinh tế Việt Nam cách đây 10-15 năm, tỷ phú Việt Nam chỉ có vài người. Bây giờ là 50 người. Đây là một sức vươn phải nói cực kỳ mạnh.
Chứ còn lên bảng xếp hạng thì là chuyện khác rồi. Tức là chúng ta đã không còn quá "èo uột" như ngày xưa nữa, mà cấu trúc tỷ phú càng ngày chúng ta thấy không chỉ ở mỗi lĩnh vực bất động sản.
Thì phải nói, lực lượng đại bàng của Việt Nam bắt đầu xuất hiện. Chúng ta nói đại bàng theo nghĩa là nó bay để mà dẫn dắt cả một đội hình. Nó tạo ra một khí thế cho trụ cột cho nền kinh tế tốt.
Ta hay có kiểu tư duy "kỳ thị người giàu quá mức". Nhưng lúc này là lúc ta phải nhìn thấy, trong một cái nền kinh tế mà đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất yếu, thì cần nhìn rõ vai trò của những tập đoàn lớn, để giúp cho nền kinh tế đứng dậy.
Ta đừng mang tư duy ông nọ ông kia là cứ "ăn hết" của thiên hạ mới giàu thế này, rồi thì phân biệt đối xử. Ta phải có một tầm nhìn, một lập trường khác. Và ngay cả nếu mà họ có ăn như vậy thì cũng phải biết cách kéo họ về mặt trận để giúp cho nền kinh tế lúc này. Chính sách khôn ngoan là như vậy
Cho nên, những doanh nghiệp đại bàng ở Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận mới, đặc biệt trong thời hậu Covid-19. Bởi vì sao, bởi vì họ cũng khó, chả có ông nào không khó cả. Đến Trung Quốc còn "loạn cào cào". Thế thì doanh nghiệp Việt Nam hỏi có khó không? Méo mặt chứ không đùa! Họ có cái khó của họ mà họ không nói lên được.
Vậy thì khi họ yếu, họ cũng cần đến sự hỗ trợ. Tất nhiên là ngoài hỗ trợ chung ra thì chúng ta cũng cần phải thông đường, thông chính sách, vì họ cũng cần những cái đấy, họ là doanh nghiệp mà. Nhưng ngoài ra, vì cái vai trò đặc biệt của họ, vì có những cái khó của họ như vậy, vì những chức năng quan trọng mà họ đang nắm giữ nên lúc này chúng tôi nghĩ đến, cái này không phải là phát minh mới mẻ gì của mình cả, mà là của thế giới, đó là phải dành một cái quỹ cho vay cho những doanh nghiệp lớn.
Bởi vì họ sẽ vay một lượng rất lớn, mà không chắc gì từng ngân hàng riêng lẻ có thể đáp ứng được. Ngân hàng còn phải lo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế thì, ở chỗ này, Chính phủ phải quan tâm, có thể có 1 cái quỹ rất lớn, 1 gói cho vay cho những tập đoàn lớn để làm trụ cột cho nền kinh tế. Tôi cho rằng cái này cực kỳ có ý nghĩa.
Ở nước ngoài, đây là một gói cho vay bình thường, chỉ hơn ở chỗ là nếu doanh nghiệp tiếp cận vốn thì có thể sẽ được ưu tiên về khối lượng, thời gian để kịp thời. Ông đứng dậy sớm thì ông có thể kéo nền kinh tế đứng dậy nhanh hơn
Ông đủ lượng vốn thì ông có thể phát huy tác dụng tốt hơn, ông có thể thay đất nước này cạnh tranh tốt hơn. Ở đây không cần phải có những cái gọi là ưu tiên theo cái nghĩa ưu đãi.
Tất nhiên có ưu đãi thì cũng được nhưng mà không nên ưu đãi vì nó làm méo mó thị trường. Đối với những ông lớn này là cần những cái hỗ trợ mà nó làm méo mó thị trường ít nhất. Đấy là cái hỗ trợ là khối lượng vay và thời hạn cho vay đáp ứng nhu cầu của họ thì như thế rất là tốt.
Mỗi ngày đều phải tìm thấy các cơ hội, nhận diện cho mình để chuẩn bị
Theo như ông vừa nói, Việt Nam có độ mở vô cùng lớn. Lĩnh vực nào có dư địa để phục hồi lớn nhất trong nền kinh tế hiện nay?
Việt Nam vẫn còn nhiều biến số rủi ro, còn chưa chắc chắn. Dịch dã, mở cửa thế giới còn khó, tư thế sẵn sàng cao nhưng thực sự vẫn cần một quá trình.
Mở cửa nền kinh tế của ta, các lĩnh vực đều có liên quan, nên trả lời đích xác lĩnh vực nào là một câu chuyện khó. Chúng ta đừng trả lời như kiểu đọc đáp án nêu ra.
Nhưng nếu về ngắn hạn, có thể nói thế này. Thứ nhất, lĩnh vực có dư địa sẽ là những lĩnh vực có đơn hàng của thế giới, đặc biệt đơn hàng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hiện nay đang tăng tốc, những cơ hội phục hồi để cho các lĩnh vực ấy rất rõ ràng, như may mặc giày dép quần áo các đồ quà tặng.
Cho nên, các giải pháp hướng đến các lĩnh vực này phải mạnh hơn. Điều này báo chí cũng nói rồi và các ngành cũng đang lên tiếng rất mạnh về vấn đề này.
Thứ hai, nhóm ngành liên quan đến mở cửa để tạo ra giao thương tích nén, người ta hay gọi với khái niệm là Tiêu dùng trả thù, tức là sau một thời gian bị cấm, bị hạn chế ghê gớm thì bây giờ mở ra. Những lĩnh vực có sự bùng nổ thì là lĩnh vực sẽ giúp cho khả năng phục hồi rất tốt.
Như du lịch chẳng hạn. Du lịch hiện nay chỉ chờ nội thông các tuyến bay, một phần nào đó đảm bảo được an toàn thực tế chứ không phải là an toàn cấm đoán hành chính. Nếu mà giải tỏa được cấm đoán hành chính, nền tảng là tiêm vaccine và sống thích ứng với dịch bệnh, thì hàng không mở cửa cái là du lịch có thể trỗi dậy. Mà hiện nay Việt Nam đang tích cực việc này. Đầu tiên cứ làm trong nước đã, nhưng Chính phủ cũng khá thận trọng.
Đây cũng là cơ hội của Việt Nam. Tôi thấy ngành nào cũng có cơ hội, có ngành đi trước có ngành đi sau, nhưng nên tính cơ hội theo nghĩa tổng thể và mỗi ngày đều phải tìm thấy các cơ hội nhận diện cho mình để chuẩn bị.
Gói hỗ trợ được thiết kế để đón bắt được thời cơ này!
Theo ông, cơ hội để trỗi dậy trong thời điểm này của Việt Nam là gì?
Còn chưa tới 90 ngày nữa là hết năm 2021. Chỉ còn khoảng tháng rưỡi nữa thôi. Mà trong tháng rưỡi này, là đủ thứ việc. Dù có tháng rưỡi, thì chúng ta vẫn có thể tính cho đà phục hồi cho cả quý 4, quý cuối cùng của năm 2021.
Tình hình kinh tế quý 2 cực kỳ là khó khăn, một sự suy giảm ghê gớm, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm đổi mới chúng ta mới thấy có một quý mà đạt mức tăng trưởng âm nặng như thế.
Đặt điều kiện phục hồi thì cơ hội phục hồi nằm ở đâu? Đặc biệt trong 3 tháng cuối năm, điều gì đảm bảo cơ hội phục hồi biến thành hiện thực? Chủ đề "Trỗi dậy sau khủng hoảng" không chỉ thể hiện ở nguyện vọng, mà thể hiện khả năng khá hiện thực của nền kinh tế Việt Nam tại thời điểm hiện nay.
Tất nhiên, mức độ phục hồi chúng ta phải tính, mức độ trỗi dậy chúng ta phải tính. Nhưng rõ ràng, từ "trỗi dậy" vừa mang tính cổ động vừa phản ánh điều kiện phục hồi đã và đang được chuẩn bị. Tôi có thể tóm tắt mấy ý thế này.
Thứ nhất, quan điểm về dịch và tình thế chống dịch hiện nay đã thay đổi. Chúng ta không còn chạy đua theo nguyên lý zero-Covid, theo nghĩa là phải "làm sạch" xã hội này khỏi con virus thì mới có thể làm ăn kinh tế được.
Quan điểm mới về dịch này tạo không gian cho chúng ta mở cửa nền kinh tế trở lại, để mọi nguồn lực được phát huy một cách bình thường, đặc biệt là nguồn lực lao động sau một thời gian bị đứt đoạn, bị phong tỏa. Điều ấy rất là quan trọng. Tức là thay đổi quan điểm về dịch, cách chống dịch cũng như cách chúng ta bảo đảm an toàn cho xã hội, để chống lại khái niệm khủng hoảng kép, trong đó có khủng hoảng y tế. Đó là điều kiện đầu tiên.
Thứ hai, nền kinh tế thế giới bắt đầu bình thường hóa trở lại, thậm chí nhiều nơi trên thế giới suốt cả năm nay đã đang trở lại. Có một số lĩnh vực nó then chốt, khó khăn nhất như du lịch, hàng không, để mở cửa trở lại thì nhiều nước đã đang triển khai.
Việt Nam với độ mở cửa cao, thế giới mở cửa chính là điều kiện để chúng ta tiếp cận với không gian phát triển, điều kiện phát triển bình thường của Việt Nam.
Thứ ba, cách tiếp cận của Nhà nước, bao gồm trực tiếp có Chính phủ, Quốc hội, là hướng đến câu chuyện theo tầm thế dài hạn chứ không phải chỉ cấp cứu. Chúng ta có lẽ đã bớt cách tiếp cận kiểu cứu nguy. Bây giờ, chúng ta đặt vấn đề theo cách tổng thể hơn, tương thích với tiếp cận chống dịch.
Với cách tiếp cận như vậy, các chính sách hỗ trợ, chính sách mở cửa, gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, theo tinh thần trỗi dậy cũng được thiết kế với cách tiếp cận để đón bắt được thời cơ này. Tuy gói hỗ trợ hiện nay chưa chính thức, chưa được công bố, vẫn còn được thảo luận, vẫn còn được cân nhắc nhưng khí thế bắt đầu được lan tỏa. Tôi cho là đó là điều kiện phục hồi kinh tế, trong ba nền tảng cơ bản được xác lập.
Trên 3 nền tảng ấy, doanh nhân - chủ thể thực của nền kinh tế cũng đang chuẩn bị tinh thần để hoạt động trở lại. Ngay cả ở những chỗ khó khăn nhất như TP.HCM Đồng Nai, Bình Dương chúng ta thấy nó bị nén ép lâu quá rồi nên khí thế đang trở lại tích cực. Đấy là những điều kiện bảo đảm khả năng phục hồi và trỗi dậy cho nền kinh tế Việt nam trong giai đoạn tới.