Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng nhanh nhất kể từ năm 1990, qua đó bào mòn túi tiền của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chỉ số CPI tăng 6.2% so với tháng 10/2020, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 10/11. CPI tăng 0.9% so với tháng 9/2021, mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng qua. Cả hai số liệu này đều vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
Đà tăng của giá năng lượng, chi phí nhà ở, thực phẩm và xe hơi đã châm ngòi cho đà leo dốc của lạm phát. Theo dữ liệu trên, lạm phát đang dần lan rộng và vượt ra khỏi các lĩnh vực gắn liền với quá trình tái mở cửa kinh tế.
Sau thông tin trên, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD tăng.
Trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ, các doanh nghiệp dần dần nâng giá hàng và dịch vụ tiêu dùng ngay khi tình trạng tắc nghẽn và thiếu lao động làm gia tăng chi phí sản xuất.
Áp lực khổng lồ đối với Fed
Đà tăng mạnh của CPI cho thấy lạm phát cao có thể kéo dài hơn dự báo, qua đó gây áp lực lên các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và có thể buộc họ phải nâng lãi suát sớm hơn dự tính, đồng thời đẩy nhanh quá trình giảm mua tài sản.
Dữ liệu này cũng tạo ra thách thức lớn về chính trị đối với Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ khi họ muốn thông qua gói chi tiêu và thuế trị giá gần 2,000 tỷ USD và bảo vệ tỷ lệ đa số của Đảng Dân chủ tại Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào năm 2022.
“Lạm phát bào mòn túi tiền của người dân Mỹ và đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu của tôi”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố. Vị Tổng thống Mỹ lưu ý yếu tố chính dẫn tới đà tăng của CPI là giá năng lượng và chính quyền đang nỗ lực để giảm bớt các chi phí này.
Một báo cáo trong ngày 09/11 cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Mỹ cũng tăng nhanh hơn trong tháng 10/2021, chủ yếu là vì giá hàng hóa cao hơn.
Tại Trung Quốc, PPI tăng mạnh nhất trong 26 năm, còn CPI ở Brazil cũng tăng mạnh hơn dự báo.
* Chỉ số giá sản xuất Trung Quốc tăng 13.5%, mạnh nhất trong 26 năm
Loại bỏ các thành phần biến động như năng lượng và thực phẩm, lạm phát lõi tăng 0.6% so với tháng trước và 4.2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trong giai đoạn 12 tháng mạnh nhất kể từ năm 1991.
Chi phí nhà ở - chiếm 1/3 CPI tại Mỹ - tăng 0.5% trong tháng 10/2021, tăng mạnh nhất trong 4 tháng qua vì giá thuê nhà và giá mua nhà cao hơn. Chi phí thuê khách sạn cũng tăng mạnh.
Giá mua xe hơi mới tăng 1.4% trong tháng trước khi tình trạng thiếu chip tiếp tục làm hạn chế hàng tồn kho và gia tăng chi phí. Giá xe hơi đã qua sử dụng tăng 2.5%.
Người dân Mỹ cũng đang phải đối mặt với mức giá cao hơn với các nhu yếu phẩm:
- Giá thực phẩm tăng 5.3% so với cùng kỳ, mạnh nhất kể từ tháng 1/2009
- Giá xăng tăng 6.1% so với tháng 9/2021, mạnh nhất kể từ tháng 3/2021
- Giá điện tăng 1.8%, mạnh nhất kể từ năm 2014
- Giá dầu nhiên liệu tăng 12.3% so với tháng trước, mạnh nhất kể từ năm 2007
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)