Như một cơn ác mộng, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu nửa rõ ràng, nửa bí ẩn.
Trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "1984" của nhà văn George Orwell nhằm lên án xã hội toàn trị, căn phòng 101 là nơi các tù nhân phải đối mặt với nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ. Nhưng việc tìm ra nỗi ám ảnh của người châu Âu thậm chí còn phức tạp hơn.
Covid-19 là một trong những "ứng cử viên" hàng đầu khi dịch bệnh khiến cuộc sống từ Ireland đến Croatia trở nên u ám. Một vấn đề khác là cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại châu Âu.
Giá khí đốt tăng cao khiến hóa đơn sưởi ấm tăng vọt, thiêu rụi số tiền tiết kiệm trong 2 năm quanh quẩn trong nhà của người châu Âu. Cuộc khủng hoảng này lớn đến mức bao trùm toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) khiến họ phải đối mặt với những mối lo ngại sâu sắc nhất.
Như một cơn ác mộng, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng năng lượng nửa rõ ràng, nửa bí ẩn. Châu Âu bước vào mùa đông với trữ lượng khí đốt tự nhiên dùng cho sưởi ấm nhà cửa và sản xuất điện ở mức thấp. Sản xuất năng lượng nội địa bị suy giảm ở các khu vực như Hà Lan, nơi những cơn gió nhẹ không đủ làm quay các tua bin.
Sự kết hợp giữa nhu cầu bùng nổ kéo dòng năng lượng chảy dồn về châu Á và vấn đề bảo trì các nhà máy điện hạt nhân của Pháp gặp sự cố làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, các đường ống dẫn khí đốt của Nga có xu hướng không vội cung cấp thêm năng lượng khiến giá cả tại châu Âu tăng vọt.
Theo ngân hàng Bank of America, trung bình một hộ gia đình ở châu Âu sẽ phải trả hóa đơn tiền điện và gas là 1.850 euro (2.100 USD) trong năm 2022, tăng từ mức 1.200 euro trong năm 2020. Nhưng những lo sợ về việc bị cắt điện trong mùa đông đã được xoa dịu khi hiện tại thời tiết ấm áp bất thường.
Song điều kinh hoàng còn vượt ngoài tầm kiểm soát. Đối với nhiều quốc gia, khủng hoảng năng lượng gợi lên nhiều nỗi bất an tồi tệ nhất. Cuộc khủng hoảng như dội gáo nước lạnh vào việc khối hướng tới quyền "tự chủ chiến lược", ý tưởng mới nhất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Việc châu Âu được bảo vệ khỏi các thế lực nước ngoài tác động là điều đáng hoan nghênh, nhưng dường như còn rất xa vời. Châu Âu có thể tuyên bố tự chủ ra sao khi khối cần Nga tăng cường cung cấp năng lượng để giữ ấm cho những ngôi nhà?
Tệ hơn, một số quốc gia dường như quá lạc quan với tình hình hiện tại. Đức đang trong giai đoạn cuối của việc ký kết đường ống Nord Stream 2, đường ống dẫn khí khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng từ Nga. Nền kinh tế lớn nhất của EU sẽ phải đối diện với nỗi đau của chính họ.
Việc năng lượng tăng giá sẽ là một thảm họa cho ngành công nghiệp của đất nước. Điều này cũng kích hoạt lạm phát, chỉ số kinh tế mà người Đức sợ hãi nhất. Và chính phủ liên minh mới vừa đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân, vốn là nguồn cung cấp điện giúp thắp sáng lục địa. Theo tờ The Economist đánh giá, quốc gia tự cho mình là giải pháp của châu Âu lại chính là một phần của vấn đề.
Hai nỗi sợ hãi đang tồn tại khiến người Bắc Âu thức trắng những đêm dài mùa đông. Thứ nhất là EU sẽ thất bại trong việc chống lại biến đổi khí hậu, điều mà các cử tri ở Hà Lan và Scandinavia rất quan tâm. Hai là "tiền" của họ sẽ được dùng để trợ cấp cho những người miền Nam tiêu xài hoang phí.
Thỏa thuận được thực hiện vào năm 2020 đã đặt hai mối lo song song với nhau. Những người miền Bắc tiết kiệm đã đồng ý thực hiện một gói viện trợ lớn với điều kiện quỹ này tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn, đặc biệt là đầu tư xanh. Và cuộc khủng hoảng khí đốt làm suy yếu thỏa thuận đó. Chính phủ như Italy và Tây Ban Nha đang chi hàng tỷ USD giúp các gia đình thanh toán hóa đơn điện nước tăng cao. Trong khi đó, những người thợ mỏ Ba Lan làm việc quần quật để đào than bẩn.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của Nam Âu chính là sự phục hồi đang lan rộng. Hy Lạp, Italy và các nước khác có thể thành công sau hai cuộc khủng hoảng trong vòng hơn một thập kỷ. Những hóa đơn tăng vọt ảnh hưởng nhiều hơn đến các quốc gia nghèo. Điều đó cũng ảnh hưởng đến người Đông Âu. Đối với những người làm việc ở châu Âu, bộ phim kinh dị nhất mang tên "giá xăng".
Việc Ủy ban châu Âu điều chỉnh các thị trường năng lượng EU và đã đưa vấn đề trung hòa carbon trở thành trọng tâm kế hoạch về tương lai của khối. Những quyết định chính sách có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện tại. Ví dụ, việc chuyển sang than để giảm giá năng lượng không phải là một lựa chọn, vì điều này đòi hỏi phải mua các tín chỉ phát thải carbon đắt tiền của EU. Mỗi tín chỉ có thể tương đương với hàng tấn nhiên liệu hydrocarbon.
Georg Zachmann của Bruegel, một tổ chức tư vấn ở Brussels, cho biết, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại là khó có thể đổ cho một yếu tố duy nhất. Tuy nhiên, giải pháp của nó vẫn là điều xa vời.
Tham khảo The Economist