Trong bài phát biểu hồi tháng 1/2022 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến sự trỗi dậy “không thể tránh khỏi” của Trung Quốc và sự xuất hiện của một thế kỷ châu Á, đồng thời cảnh báo các nền kinh tế phương Tây không nên "hãm phanh hoặc quay đầu trong các chính sách tiền tệ của mình".
Trong những năm gần đây, nhiều nền kinh tế mới nổi, cũng giống như Trung Quốc, vẫn phụ thuộc nặng nề vào đồng USD. Tuy nhiên, khi nhu cầu của kinh tế Trung Quốc khác với định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ, sự phụ thuộc vào đồng USD đang ngày càng trở nên nguy hiểm, làm gia tăng rủi ro trong năm 2022.
Những bài học trong quá khứ
Vào năm 1994, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ, tác động tiêu cực đến đồng USD và định giá trái phiếu Kho bạc Mỹ sụt giảm, các thị trường mới nổi đã phải đối mặt với những vấn đề lớn.
Điều này bắt đầu với cuộc khủng hoảng đồng peso tại Mexico vào năm 1994, còn được gọi là cuộc khủng hoảng rượu Tequila, với đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Vào thời điểm hiện tại, với việc Fed bắt đầu thắt chặt các điều kiện tiền tệ đối với đồng tiền dự trữ của thế giới, các tác động sẽ một lần nữa được cảm nhận ở khu vực châu Á, và Trung Quốc là một mối quan tâm đặc biệt.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn vì họ không có sự độc lập tiền tệ thực sự. Để hiểu hơn về vấn đề này, cần xem xét cách đồng bạc xanh ảnh hưởng đến dòng vốn và môi trường tiền tệ ở các thị trường mới nổi.
Nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, tiếp tục thiết lập chính sách tiền tệ dựa trên sự tham chiếu tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ so với đồng USD. Điều này thường nhằm mục đích cố gắng hạn chế biến động tiền tệ và duy trì mức tỷ giá hối đoái cạnh tranh so với quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới là Mỹ.
Điều này một mặt giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhưng mặt khác lại thường khiến những quốc gia trên phải chịu tác động từ các chính sách tiền tệ của Mỹ. Bên cạnh Hong Kong (Trung Quốc) là ví dụ rõ ràng nhất về trường hợp này, có nhiều nền kinh tế châu Á khác cũng đang bị phụ thuộc nặng nề vào chu kỳ tiền tệ của nước Mỹ.
Khi các điều kiện tiền tệ trong nước của Mỹ được “buông lỏng” với môi trường lãi suất thấp, đồng USD sẽ được chảy sang các thị trường nước ngoài, chẳng hạn như ở châu Á, để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Điều này có xu hướng làm tăng giá tài sản nhưng cũng khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với thặng dư cán cân thanh toán quá mức, vì nguồn tiền đổ vào những quốc gia này đang nhiều hơn là chảy ra ngoài.
Những thặng dư này thường buộc các ngân hàng trung ương phải can thiệp để ngăn đồng tiền của họ tăng giá; quá trình này một lần nữa tạo thanh khoản trong nước.
Mức thanh khoản mới này sau đó được các ngân hàng địa phương sử dụng để cấp thêm tín dụng, khiến thanh khoản cuối cùng thậm chí còn cao hơn. Điều này giải thích vì sao giá tài sản châu Á thường phản ứng tích cực với chính sách tiền tệ nới lỏng ở Mỹ và môi trường suy yếu của đồng USD.
Có một châu Á đang bị mắc kẹt giữa các điều kiện thắt chặt tài chính
Các ngân hàng và nhiều công ty châu Á cũng thường vay bằng đồng USD, bởi những thị trường nợ này thường rộng lớn hơn nhiều và có thời gian đáo hạn dài hơn so với hầu hết các thị trường trong nước. Nếu được thực hiện đúng cách, đây có thể là một chiến lược có sinh lời cao.
Tuy nhiên, chiến lược này có thể không hiệu quả khi các điều kiện của đồng USD bị thắt chặt một cách bất ngờ, như những gì đã xảy ra vào năm 1997. Nguyên nhân là do một chu kỳ lành mạnh có thể nhanh chóng biến thành chu kỳ giảm phát. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rút thanh khoản và lợi tức trái phiếu tăng, vốn sẽ được rút về lại Mỹ trong một môi trường giờ đã trở nên hấp dẫn hơn.
Một khi đồng USD trở nên đắt đỏ hơn và khó kiếm hơn, áp lực bán tài sản sẽ xuất hiện tại các thị trường mới nổi. Nếu các ngân hàng trung ương địa phương buộc phải can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ, họ thường sẽ nâng lãi suất trong nước hoặc thậm chí rút bớt thanh khoản hoặc áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn để khiến dòng vốn trở nên kém hấp dẫn hơn hoặc khó rời bỏ thị trường hơn.
Tại thời điểm này, chu kỳ tín dụng châu Á cũng sẽ bắt đầu giảm và các động lực giảm phát bắt đầu xuất hiện, điều này thường được phản ánh qua giá tài sản thấp hơn. Cuối cùng, khi các điều kiện thanh khoản được thắt chặt, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và kéo theo đó là thu nhập doanh nghiệp suy giảm.
Tất nhiên, các ngân hàng trung ương tại thị trường mới nổi, như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), có thể lựa chọn phá vỡ chu kỳ này bằng cách cho phép thị trường tiền tệ linh hoạt hơn, song nhiều quốc gia không muốn thực hiện điều này trong thời điểm thuận lợi vì lo ngại sẽ làm xói mòn khả năng cạnh tranh.
Việc phá vỡ sự liên kết này trong thời điểm xấu có thể đẩy dòng tiền chảy ra nhanh hơn do các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin. Trung Quốc đã trải qua ra điều này vào năm 2015 khi hơn 1.000 tỷ USD vốn chảy ra khỏi thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi nước này phá giá đồng nhân dân tệ để đáp lại việc Fed báo hiệu nâng lãi suất.
Giờ đây, khi những lo ngại đằng sau bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở nên rõ ràng, thực tế là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một tình huống khó khăn. Nền kinh tế này đã vay nợ rất nhiều trong 15 năm qua. Để “nuôi” đống nợ khổng lồ đó, Trung Quốc cần các điều kiện tiền tệ nới lỏng, điều này cũng sẽ giúp nước này đối phó với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Tuy nhiên, song song với đó, Trung Quốc cũng cần phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài để hỗ trợ tăng trưởng. Để thu hút quỹ nước ngoài, Trung Quốc phải đưa ra mức lợi suất cao hơn so với chứng khoán của Mỹ để thu hút giới đầu tư vốn coi đây là lựa chọn nhiều rủi ro hơn.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Mỹ tăng lãi suất. Nếu nước này chấp nhận tỷ giá quy đổi cao hơn trong nỗ lực thu hút vốn, khu vực trong nước sẽ bị tổn hại. Tuy nhiên, nếu nước này không tuân theo tỷ giá đó, nguồn tài trợ nước ngoài sẽ mất đi và có khả năng gây ra áp lực giảm đối với đồng nhân dân tệ và dự trữ ngoại hối.
Phần còn lại của châu Á cũng sẽ bị mắc kẹt giữa các điều kiện thắt chặt tài chính và một Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng vấn đề của Trung Quốc có thể là lớn nhất, xét theo quy mô kinh tế của nước này.
Theo Nikkei Asia
thevu