Giá năng lượng tăng cao có nguy cơ đẩy tăng chi phí sản xuất mọi thứ từ phân bón, thực phẩm, cho đến vận tải, sưởi ấm nhà cửa, công nghiệp nặng, gây nên tình trạng lạm phát tăng cao và làm chậm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong tháng 9, hai công ty phân bón ở Anh đã thông báo rằng họ sẽ ngưng sản xuất vô thời hạn. Lý do không xuất phát từ việc kinh doanh sa sút hoặc gánh thuế nặng nề mà do giá khí đốt ở Anh đang tăng nhanh.
Việc công ty đóng cửa là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy tác động trực tiếp của khủng hoảng khí đốt ở châu Âu đang lan rộng. Các trang trại gió bị đình trệ, chính sách khí hậu châu Âu và đại dịch Covid-19 đang dần hội tụ thành một cơn "cuồng phong" đối với thị trường năng lượng.
Giá năng lượng tăng cao có nguy cơ đẩy tăng chi phí sản xuất mọi thứ từ phân bón, thực phẩm, cho đến vận tải, sưởi ấm nhà cửa, công nghiệp nặng, gây nên tình trạng lạm phát tăng cao và làm chậm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giá khí đốt tăng vọt cũng mang theo lời cảnh báo về những điều sắp xảy ra. Châu Âu đi trước các quốc gia khác trong việc thúc đẩy chính sách năng lượng tái tạo và có mục tiêu toàn khối đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Điều đó có nghĩa là châu Âu cũng phải phụ thuộc vào năng lượng tái tạo. Và liệu, "một mùa đông chật vật" có làm gián đoạn chuyển đổi năng lương tái tạo, khiến châu Âu càng thêm phụ thuộc vào khí đốt?
Khí tự nhiên
Mức giá tăng cao kỷ lục toàn châu Âu cho thấy rõ vai trò nền tảng quan trọng của khí đốt trong nền kinh tế của lục địa, từ sản xuất điện, sưởi ấm gia đình đến sản xuất thực phẩm.
Kể từ tháng 1, mức giá khí đốt ở sàn giao dịch Dutch TTF đã tăng hơn 300%. Sự gia tăng khổng lồ này là do một loạt các yếu tố cung cầu.
Một mặt, nhu cầu sử dụng tăng trở lại vào năm 2021 do khu vực và thế giới đã phần nào thoát khỏi đại dịch Covid-19, kết hợp với yếu tố mùa đông lạnh bất thường trong năm 2020-2021.
Điều đó khiến nguồn cung rơi vào thế khó hơn trong mùa hè, thường là mùa tái sản xuất. Hiện tại, khi chuẩn bị bước vào mùa thu, mức dự trữ khí trong khu vực gần như thấp nhất trong một thập kỷ qua. Nỗi lo ngại về một mùa đông lạnh giá có thể đẩy giá lên cao hơn nữa.
Nguồn cung khí đốt đang căng thẳng khiến lượng khí dự trữ đã thấp lại trở nên trầm trọng hơn, do việc bảo trì cơ sở hạ tầng khí đốt ở Na Uy, vốn đã bị trì hoãn do đại dịch và thiếu nguồn cung từ công ty Gazprom của Nga, một trong những nguồn cung cấp khí đốt chính của khu vực.
Việc thiếu hụt khối lượng vận chuyển khí đốt của Gazprom thông qua Ukraine và Ba Lan cũng gây ra những cáo buộc nghi ngờ rằng Nga đang kìm hãm nguồn cung khí đốt của nước này. Điều này nhằm đưa ra quan điểm về việc châu Âu cần bao nhiêu đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi Nord Stream 2 đang chờ được sự chấp thuận của Đức.
Nhưng Nga cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung vì nhu cầu cao không chỉ đến từ châu Âu mà còn từ châu Á. Điều đó song song với nhu cầu bổ sung dự trữ trước mùa đông.
Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)
Tình hình tại Nga chỉ là một trong những căng thẳng toàn cầu về thị trường khí đốt. Bởi vì nó có thể được vận chuyển, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoạt động như một thị trường "toàn cầu" cho khí đốt tự nhiên.
Nguồn cung đã bị thiếu hụt do cơn bão Ida đổ bộ vào Vinh Mexico khiến việc xuất khẩu bị tạm ngưng. Bão nối tiếp bão, một cảng xuất khẩu LNG gần Houston cũng đóng cửa vì cơn bão Nicholas.
Nhu cầu lớn về khí đốt của châu Âu khiến giá cả tăng vọt. Bà Xi Na, phó chủ tịch phụ trách thị trường khí đốt và năng lượng tại Rystad Energy ở Oslo, chỉ ra rằng châu Âu trở thành nguyên do của đợt tăng giá LNG là điều bất thường. Bởi vì châu Á thường là động lực chính cho nhu cầu về loại nhiên liệu này.
Điều tồi tệ hơn, châu Á vẫn là trọng tâm của nhu cầu về LNG. Ngoài ra, một nhu cầu khác đang ngày càng tăng: chính phủ Trung Quốc thúc đẩy cắt giảm than đá. Cùng với việc kinh tế chung dần hồi phục, vấn đề này dẫn đến nhu cầu khí đốt từ Mỹ và Nga tăng. Trong khi đó, lượng khí dự trữ trên toàn cầu trước mùa đông đang thấp.
Điều đó vẽ ra một viễn cảnh rằng Trung Quốc cũng có thể sẽ phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng đột biến trong mùa đông, nghiêm trọng đến mức phải cắt giảm sản xuất dựa vào năng lượng khí đốt. Các công ty đơn giản là không thể trang trải đủ chi phí.
Điện gió
Một yếu tố khác góp phần tăng giá năng lượng, một yếu tố đặc biệt quan trọng ở châu Âu. Năng lượng gió chiếm trung bình khoảng 20% tổng năng lượng châu Âu và cạnh tranh trực tiếp với khí đốt để sản xuất điện. Nguồn năng lượng này từ lâu đã phải đối mặt với bài toán hóc búa về nguồn cung: Điều gì xảy ra khi gió không thổi?
Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong mùa hè năm nay, gây ra sự thiếu hụt mà Mads Nipper, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng gió khổng lồ Đan Mạch Ørsted, ví như người nông dân gặp hạn.
Sự thiếu hụt này (tương tự với tình trạng năng lượng mặt trời khi trời nhiều mây) gây ra vấn đề gián đoạn trong tái tạo năng lượng. Sự ngắt quãng buộc những người phụ thuộc vào năng lượng tái tạo phải tích trữ năng lượng trong pin để duy trì ổn định. Họ cũng có thế xoay sang các nguồn năng lượng truyền thống ổn định như năng lượng hạt nhân, khí đốt hoặc than đá để bù vào khoảng trống.
Vì việc lưu trữ pin quy mô lớn rất tốn kém, châu Âu dựa vào các hệ thống điện có tính kết nối cao, vận chuyển năng lượng tái tạo trên khắp lục địa để cố gắng cân bằng nguồn cung.
Nhưng nguồn cung năng lượng tái tạo thấp, kết hợp với nguồn khí đốt eo hẹp vốn là giải pháp lấp đầy chỗ trống, đang từng giây từng phút tái carbon hóa hệ thống năng lượng ở châu Âu với giá cao.
Bà Xi Na nói: "Khi gió giảm, năng lượng mặt trời giảm và khí đốt cũng khá khan hiếm, thì than phải tăng lên, với chi phí cao hơn". Bà chỉ ra rằng vì than phải đối mặt với định giá carbon cao, vì là nhiên liệu gây ô nhiễm nhất, đẩy chi phí năng lượng lên cao.
Một chướng ngại vật ngang đường?
Mặc dù hiện tại, nhiều yếu tố đẩy giá khí đốt lên cao chỉ là tạm thời, ví dụ như gió có thể sẽ lại nổi lên, những điều kiện khác gợi ra một sự thay đổi cơ bản hơn.
Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào năng lượng tái tạo, giá carbon cao hơn, thời tiết gián đoạn do mưa bão và xung đột địa chính trị với Nga đều là những xu hướng dài hạn có thể làm tăng thêm sự biến động giá trong những năm tới.
Trong khi đó, có lập luận cho rằng bản thân quá trình chuyển đổi năng lượng, bằng cách ngăn cản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch trong trung hạn, có thể tạo ra sự khan hiếm nguồn cung và giá cao.
Nhưng liệu những yếu tố tác động đó có thể thực sự phá vỡ sự chuyển dịch năng lượng của châu Âu? Bà Xi nói rằng không có khả năng đó, "một mùa đông chật vật" không thể làm chậm lại việc chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Bà lập luận: "Quá trình chuyển đổi sẽ tiếp tục. Nó thiên về cách xử lý tình trạng gián đoạn theo cách hiệu quả về mặt chi phí".
Theo Fortune