Người đàn ông 10.000 tỷ USD: Larry Fink trở thành 'vua của Phố Wall' như thế nào (PI)


  

10-10-2021 - 9:11 AM

 | 

TIN HAY CHỨNG KHOÁN


Ngày 16/4/2009, Rob Kapito tới sân vận động Yankee Stadium vừa mới được xây dựng, nơi niềm tự hào của thành phố New York sẽ đối đầu với đối thủ Cleveland Indians. Lúc đó, kinh tế Mỹ đang trong tình trạng hỗn loạn, sau khi cuộc khủng hoảng thế chấp đã giáng một đòn mạnh lên hệ thống tài chính toàn cầu, và nhiều nhà đầu tư Phố Wall rơi vào trạng thái kiệt quệ. Thế nhưng, ông xuất hiện không phải để xem một trận bóng chày. 

Kapito đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật, không những sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho công ty chủ quản của ông - tập đoàn đầu tư BlackRock, mà còn thay đổi bộ mặt của ngành tài chính. Bod Diamond, giám đốc điều hành Barclays, đang theo dõi trận đấu từ căn phòng riêng của công ty được xây dựng trong sân vận động mới này, và Kapito lúc đó cần một cuộc trao đổi gấp và riêng tư với "người bạn cũ”. Do đó, ông đặt mua một tấm vé và lên đường đến quận Bronx ngay lập tức. 

Barclays tham gia mua lại chi nhánh tại Mỹ của Lehman Brothers khi ngân hàng đầu tư này phá sản vào năm 2008 nhưng thương vụ này lại không mấy thành công và trở thành gánh nặng kéo tụt Barclays. Đầu năm 2009, Barclays nỗ lực kêu gọi vốn đầu từ nhằm tránh khỏi sự can thiệp của chính phủ Anh. Điều đó có nghĩa, ngân hàng này hoàn toàn có thể bán đi những mảng kinh doanh làm ăn có lãi, trong đó bao gồm cả công ty quản lý tài sản Barclays Global Investors. Thậm chí, ngân hàng này còn sẵn sàng "bán mình". 

Đầu tháng 4/2009, Barclays chấp nhận lời đề nghị trị giá 4,2 tỷ USD từ CVC, công ty chứng khoán tư nhân có trụ sở tại London, để bán lại quỹ ETF đang phát triển rất nhanh iShares. Điều quan trọng ở đây là thỏa thuận này có điều khoản cho phép Barclays có thể đàm phán với các đơn vị khác có ý định “nẫng tay trên” của CVC trong vòng 45 ngày. Đó chính là cơ hội mà BlackRock có thể nắm lấy.  

Yankees đã để thua Cleveland tối hôm đó nhưng Kapito chắc chắn sẽ nhớ trận đấu này rất nhiều. Ông rảo bước tới căn phòng riêng của Barclays, gõ cửa và mời Diamond ra ngoài để cả hai có thể trao đổi. Diamond đã gật đầu đồng ý và hai người đã cùng nhau đi dạo dọc hành lang.

"Ông muốn chơi cờ ca rô hay cờ vua?", chủ tịch BlackRock hỏi Diamond và đưa ra lời đề nghị của mình. 

Please use the sharing tools found via the share button at the top or side of articles. Copying articles to share with others is a breach of FT.com T&Cs and Copyright Policy. Email licensing@ft.com to buy additional rights. Subscribers may share up to 10 or 20 articles per month using the gift article service. More information can be found at https://www.ft.com/tour.  https://www.ft.com/content/7dfd1e3d-e256-4656-a96d-1204538d75cd?fbclid=IwAR2gIndUb0D_1kbegTU1LcKPb2P6FpHAeoYe7wq5_8ct38-hs-OqqYVP_J0   Fink (centre) with Susan Wagner and Robert Kapito in 2009. Both were members of the group of executives picked by Fink and Ralph Schlosstein in 1998 to help them create the new investment firm that became BlackRock © Mark Peterson/Redux/eyevine
Larry Fink (giữa) cùng với Susan Wagner và Robert Kapito năm 2009. Wagner và Kapito đều là thành viên nhóm giám đốc điều hành do Fink và Ralph Schlosstein lựa chọn năm 1998 để giúp họ thành lập công ty đầu tư - sau này chính là BlackRock. Ảnh: Mark Peterson/Redux/eyevine.

Thay vì bán iShares cho CVC, Barclays nên bán toàn bộ BGI cho BlackRock để nhận về một khoản tiền lớn và cổ phiếu của công ty sau khi đã hợp nhất, Kapito nói. Bằng cách đó, Barclays sẽ có được nguồn vốn cần thiết để tránh sự can thiệp của chính phủ mà vẫn nhận được lợi nhuận từ iShare thông qua việc sở hữu một khối lượng cổ phiếu không nhỏ của BlackRock, công ty sẽ trở thành một thế lực thực sự trong giới đầu tư sau khi hợp nhất. 

"Đó là ý tưởng tuyệt vời", Diamond đáp lại. Trên thực tế, ông đã nhận được sự chấp thuận của hội đồng quản trị để bán toàn bộ BGI. Ông đồng ý mời chủ tịch của Barclays đến gặp Kapito và giám đốc điều hành của BlackRock - Larry Fink vào hôm sau. Hai tháng sau đó, thoả thuận trị giá 13,5 tỷ USD đã được hoàn thành và công bố cho toàn thế giới. 

Cho dù đã xuất hiện những mâu thuẫn trong thời gian đầu, đây quả thực là một thương vụ thành công phi thường. BlackRock trở thành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đầu tư tiền cho đa dạng đối tượng khách hàng từ những tù nhân cho tới những nhân vật giàu có, và thậm chí là các quỹ đầu tư quốc gia. Hiện tại, công ty này là cổ đông lớn nhất tại nhiều doanh nghiệp hàng đầu Mỹ và một vài doanh nghiệp toàn cầu. BlackRock đồng thời cũng là một trong những chủ nợ lớn của nhiều công ty và chính phủ. Nền tảng công nghệ Aladdin của công ty đang cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu cho ngành công nghiệp đầu tư toàn cầu. 

Tính tới cuối tháng 6, BlackRock đang quản lý khối tài sản trị giá 9.500 tỷ USD, con số nằm ngoài tầm tưởng tượng của phần lớn 35 triệu người dân Mỹ mà công ty đang quản lý quỹ hưu trí của họ tính đến năm 2020. Nếu tốc độ tăng trưởng ở thời điểm hiện tại được duy trì, BlackRock có thể công bố kết quả kinh doanh quý III vào ngày 13/10 với giá trị tài sản chạm 10.000 tỷ USD. Và đến cuối năm 2021, công ty hoàn toàn có thể vượt xa được con số này. 

Để rõ hơn, 10.000 tỷ USD tương đương với tổng giá trị của toàn bộ các quỹ phòng hộ, quỹ đầu tư cổ phiếu tư nhân và các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới cộng lại, góp phần đưa Fink, năm nay 68 tuổi, trở thành cái tên được tôn trọng bậc nhất trong giới đầu tư toàn cầu.

"Larry" là "vua của Phố Wall", không thể tranh cãi. Là người sáng lập ra một công ty đầu tư trái phiếu nhỏ 30 năm về trước, ông tự tay xây dựng nó trở thành một đế chế tài chính khổng lồ, điều chưa từng thấy trước đây. Tuy nhiên, đi cùng với quyền lực chính là sự chú ý. BlackRock trở thành tâm điểm chỉ trích đối với cả hai phe chính trị cánh tả và cánh hữu. 

Thậm chí một vài tên tuổi trên Phố Wall còn bày tỏ sự quan ngại về quy mô khổng lồ của BlackRock. Công ty gần đây cũng vấp phải nhiều tranh cãi liên quan tới Trung Quốc khi George Soros chỉ trích công ty này đã "phạm sai lầm nghiêm trọng” khi đổ tiền của nhà đầu tư vào quốc gia đông dân nhất thế giới ngay cả khi đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập Cận Bình có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế. 

Và đây chính là câu chuyện về cách là Fink đã trở thành người đàn ông quyền lực nhất trong giới tài chính toàn cầu, là người có mối quan hệ thân thiết với nhiều chính khách, và là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong hội đồng quản trị nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới. 

Ảnh: © Marco Grob/Trunk Archive.
Ảnh: Marco Grob/Trunk Archive.

Larry Fink sinh tháng 11/1952. Ông lớn lên tại Van Nuys, khu vực gần với thung lũng San Fernando tại thành phố Los Angeles. Cha ông là chủ một cửa hiệu bán giày trong khi mẹ là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Northridge, trực thuộc Đại học Bang California. Ông không có thành tích học tập tốt như anh trai, do đó, ông được cử tới giúp đỡ cha ở cửa tiệm. Đó chính là công việc mà anh trai tài giỏi hơn của ông được miễn trừ. 

Ông theo học ngành lý thuyết chính trị tại Đại học California. Bên cạnh một vài môn học kinh tế cơ bản, ông không theo học bất kỳ một khóa học kinh tế nào cho tới năm cuối đại học, khi ông đăng ký một vài lớp học về bất động sản dành cho sinh viên và nhanh chóng tìm thấy niềm đam mê ở đó. Nhưng giấc mơ trở thành một nhà phát triển bất động sản của ông đã phai tàn sau khi ông nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế, Đại học California. Cũng giống như nhiều người trẻ tài năng ở thời điểm đó, những người chưa thể định hình được họ muốn làm điều gì ngoài việc kiếm tiền, Fink lên đường đến Phố Wall với mái tóc để dài và chiếc chiếc vòng đeo tay màu ngọc bích mà Lori, người bạn phổ thông sau này là vợ ông, đã tặng. 

Ông nhận được vài lời mời phỏng vấn từ một số ngân hàng đầu tư lớn nhưng sự chán nản đã theo ông tới tận vòng phỏng vấn cuối cùng với Goldman Sachs.

"Tôi đã rất tuyệt vọng, nhưng kết quả lại khá bất ngờ", ông chia sẻ.

Nhưng thay vào đó, ông lại chọn First Boston, một công ty có tên tuổi khác, và bắt đầu làm việc từ năm 1976. Ông được giao công việc tại bộ phận giao dịch trái phiếu, và với những kiến thức về bất động sản mà đã học, ông phụ trách các trái phiếu có tài sản thế chấp. Ông chứng minh mình là một trong số ít những tài năng nổi bật và tới năm 1978, ông được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận này. Tại đó, ông đã xây dựng nên một đội ngũ đồng nghiệp thân cận, chăm chỉ và trung thành. 

Nhiều thành viên trong nhóm của ông là người Do Thái. Nhiều người trong công ty đã ví von nhóm của ông là một “Israel thu nhỏ”. Trong những năm 1970 và 1980, những nhân viên gốc Italia và Do Thái vẫn là điều gì đó tương đối xa lại tại các công ty hoạt động trên Phố Wall, giống như First Boston. Ông nhớ cấp trên đã khuyên nên tuyển dụng một nhân viên có gốc Italia để làm việc tại quầy giao dịch khi những đồng nghiệp khác nghỉ lễ trong những dịp lễ hội của người Do Thái. 

Và người được chọn chính là Robert Kapito. Nhưng khi ngày lễ Rosh Hashaha tới, Kapito hoá ra cũng là người Do Thái giống như những đồng nghiệp. Dù xã hội còn mang nhiều tư tưởng bài ngoại, Fink lại cảm thấy rất hài lòng với những gì đang diễn ra tại First Boston. Thực tế là không ai quan tâm bạn là ai, miễn là bạn kiếm được tiền. Và Fink rất giỏi điều đó. 

Cho dù có tài năng vượt trội so với nhiều nhà giao dịch trái phiếu khác, kỷ nguyên của Fink lại gắn liền với không chỉ những thành công cá nhân của riêng ông mà còn là tính tự phụ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.

"Tôi là một kẻ ngốc", ông từng thừa nhận với tờ Crain's. Tuy nhiên, Phố Wall ưa chuộng sự thành công hơn là tính khiêm tốn. Fink trở thành vị quyền giám đốc điều hành trẻ tuổi nhất trong lịch sử First Boston. Ở tuổi 31, ông cũng là thành viên trẻ tuổi nhất trong hội đồng quản trị của công ty. Sự nghiệp của ông thăng tiến một cách tương đối thuận lợi.

download-3697-1633834763.jpg
Larry Fink. Ảnh: Reuters.

Thế nhưng, điều đó không kéo dài mãi.

"Nhóm của tôi và tôi giống như những ngôi sao nhạc rock vậy. Cấp lãnh đạo rất tin tưởng chúng tôi. Và tôi đang trên đường trở thành CEO chính thức của công ty. Thế nhưng, tôi đã phá hỏng tất cả. Điều đó thật tồi tệ", ông chia sẻ trong một bài phát biểu. 

Vào năm 1986, nhóm của Fink gây ra khoản thiệt hại trị giá 100 triệu USD khi lãi suất đột nhiên sụt giảm và những biện pháp phòng hộ mà nhóm của ông áp dụng để bảo vệ họ trước hoàn cảnh tương tự hoàn toàn thất bại. Cho dù giúp công ty kiếm bộn tiền trong suốt một thập kỷ, nhưng ông từ vị thế của quyền CEO trở thành người bị ruồng bỏ. Cuối cùng, ông rời đi vào đầu năm 1988. 

Tuy nhiên, sự ruồng rẫy đó lại không khiến ông gục ngã. Một vài năm trước, Fink trở thành bạn qua điện thoại với Ralph Schlosstein, nhân viên của Shearson Lehman Hutton. Cả hai đều dậy rất sớm và thường xuyên gọi điện trao đổi về thị trường tài chính. Vào một buổi tối tháng 3/1987, họ đi cùng một chuyến bay từ Washington tới New York, do đó, họ đã dùng bữa tối cùng nhau. Và đó chính là điểm mấu chốt. 

Cả hai đều là thành viên đảng Dân chủ - Schlosstein là nhân viên Bộ Tài chính dưới thời tổng thống Jimmy Carter trước khi gia nhập Phố Wall - nhưng lại thường xuyên nói về sự không hài lòng với công việc và luôn sôi sục ý tưởng làm một điều gì đó mới mẻ. Họ bắt đầu lên kế hoạch xây dựng nên một công ty chứng khoán tài chính, tích hợp các cổ phiếu vào một danh mục đầu tư và phân tích tất cả những rủi ro mà chúng có thể mang lại. 

Vài ngày sau khi nghỉ việc tại First Boston, Fink mời một vài người bạn đến nhà để bàn bạc về những kế hoạch sắp tới. Trong đó có Kapito, trợ thủ đắc lực của ông, Barbara Novick, trưởng bộ phận quản lý các sản phẩm danh mục, Ben Golub, một thiên tài toán học, người thiết kế ra nhiều công cụ quản lý rủi ro, và Keith Anderson, một trong những chuyên viên phân tích trái phiếu hàng đầu tại First Boston.

Từ Shearson Lehman Hutton, Schlosstein mời Susan Wagner, và sau đó là Hugh Franter, hai chuyên gia trái phiếu thế chấp tài năng nhất của công ty. Cùng với nhau, họ thành lập nên một công ty đầu tư trái phiếu dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và khả năng quản lý rủi ro chuyên biệt. 

Điều họ cần chính là vốn, do đó, Fink tích cực tìm kiếm thông tin của các doanh nghiệp tiềm năng, những đơn vị có thể đầu tư vốn cho họ. Ông liên hệ với Steve Schwarzman và Pete Peterson, hai nhân sự cũ của Lehman Brothers đồng thời là nhà đồng sáng lập của BlackStone, những ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tư nhân. Blackstone đồng ý hỗ trợ công ty non trẻ của Fink thông qua việc chia sẻ văn phòng làm việc cùng với một khoản vay trị giá 5 triệu USD, đổi lại 50% cổ phần của công ty. Tận dụng vị thế đang lên của Blackstone, Fink và Schlosstein đã quyết định đặt tên công ty mới của họ là Blackstone Financial Management (BFM). 

Sau khi chính thức thành lập, họ tuyển dụng nhân viên đầu tiên: Charlie Hallac, một trong những đồng nghiệp cũ của Golub tại First Boston. Họ cũng nỗ lực tìm kiếm khách hàng nhằm hai mục tiêu thu hút thêm vốn và chào bán những dịch vụ công nghệ hỗ trợ mà Golub và Hallac đang phát triển. Đó là một công nghệ tân tiến có thể giúp khách hàng tránh khỏi những thất bại mà Fink đã từng gặp phải tại First Boston. Nền tảng này được lấy tên dựa trên khẩu hiệu "Tài sản, Độ tin cậy, Nợ và Mạng lưới đầu tư phái sinh", hay còn gọi là Aladdin. Phiên bản đầu tiên sản phẩm này được lập trình thông qua một máy trạm SUN có giá 20.000 USD được đặt giữa tủ lạnh và máy pha cà phê trong văn phòng làm việc. 

BFM có một khởi đầu tương đối mạnh mẽ, nhờ vào những mối quan hệ quý giá mà họ có. Chỉ trong vòng 6 năm đầu tiên, công ty đã quản lý khối tài sản trị giá 23 tỷ USD, và có khoảng 150 nhân viên. Thị trường trái phiếu đã gặt hái được nhiều thành công, và các quỹ hưu trí đã bị thu hút bởi tài năng của Fink và nhóm của ông. 

Công ty không hề có ý định "đoạn tuyệt" với Blackstone. Nhưng Fink đã cho tuyển dụng thêm nhiều nhân viên mới bằng cách trả họ cổ phiếu công ty - điều khiến cho tỷ lệ sở hữu của Blackstone ngày càng giảm xuống và khiến Schwarzman tức giận. Fink cuối cùng cũng quyết định rằng BFM và Blackstone sẽ đường ai nấy đi. 

Tất cả quỹ của BFM đều có một mật mã, chuyên dùng để xác định các công cụ đầu tư nhằm mục đích hoàn thiện hồ sơ pháp lý và cung cấp dữ liệu, đều bắt đầu bằng chữ B. Nhưng một thỏa thuận với Blackstone quy định rằng những mật mã mới không được chứa các từ "black" hoặc "stone". Bedrock đã được cân nhắc nhưng nó khiến cho nhiều người liên tưởng đến chương trình truyền hình The Flintstones. Tuy nhiên, các nhà sáng lập lại yêu thích cái tên "BlackRock”. Họ đã tham khảo ý kiến của Schwarzman và Peterson, chỉ ra rằng sự chia tay của Morgan Stanley với JPMorgan càng làm nổi bật tên tuổi của cả 2 công ty này hơn. Peterson và Schwarzman cho rằng ý tưởng BlackRock thể hiện sự tôn trọng với Blackstone, và qua đó, đã chấp thuận cái tên này. 

Năm 1994, Blackstone đã bán cổ phần tại BlackRock với giá 240 triệu USD cho PNC Bank, có trụ sở tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, công ty sau đó đã chuyển toàn bộ hoạt động quản lý quỹ sang cho BlackRock và cho công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Phiên IPO đã diễn ra vào ngày 1/10/1999. Tại thời điểm đó, giá trị tài sản mà BlackRock đang quản lý đã vượt qua con số 165 tỷ USD. 

Nhưng phiên IPO diễn ra không mấy thành công. Phiên chào bán được tổ chức bởi Merrill Lynch đã định giá BlackRock ở ngưỡng dưới 900 triệu USD, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Fink đã có ý định huỷ bỏ phiên IPO này, nhưng CEO của Merrill Davis Komansky đã gọi cho ông.

“Anh đang làm cái quái gì vậy? Hãy thực hiện phiên IPO đi. Nếu như anh làm tốt công việc của mình, thì trong vòng 4 đến 5 năm tới, nó sẽ chỉ là một kỷ niệm xa vời mà thôi. Hãy tiếp tục phiên IPO ngay. Đừng cứng đầu nữa”, ông quát lên trong điện thoại. 

Trọng Đại (Theo FT)