SSI Research: Doanh nghiệp ngành than Việt Nam vẫn chưa thể hưởng lợi từ "cơn bão giá" thế giới


  

12-10-2021 - 5:35 AM

 | 

TIN HAY CHỨNG KHOÁN


Trong bối cảnh giá than tăng mạnh, SSI Research cho rằng giá than thế giới tăng đột biến so với than trong nước, do đó các ngành có tỷ lệ than nhập trên tổng than sử dụng cao như xi măng (66%), sắt thép (88%), phân bón (74%) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong vấn đề chi phí sản xuất

Trong báo cáo cập nhật ngành than mới đây, Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research) dẫn ghi nhận của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, mặc dù nhu cầu than toàn cầu trong 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá than trung bình thế giới đã tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm, qua đó thiết lập mức kỷ lục trong lịch sử.

IEA cho rằng, trên thực tế nguyên nhân của cơn sốt than không đến từ vấn đề thiếu hụt nguồn cung khi mà trong 9 tháng đầu năm 2021, thế giới sản xuất được khoảng 6,2 tỷ tấn trong khi chỉ tiêu thụ 5,8 tỷ tấn. Do đó, cơn sốt giá than phần lớn đến từ ba yếu tố khác, mà đầu tiên là căng thẳng thương mại Trung Quốc – Úc và các lệnh hạn chế nhập khẩu than làm gián đoạn thị trường thương mại, ảnh hưởng tới giá tham chiếu ở các thị trường nội địa Trung.

Thứ 2, ngành khai thác than cần sử dụng một lượng lớn lao động trong môi trường chật hẹp, dẫn tới việc nhiều nước phải tạm dừng khai thác trong năm 2021 để giãn cách xã hội, cộng thêm việc giá cước vận tải tăng mạnh và thiếu nhân lực để vận chuyển than. Điều này khiến nguồn cung than và các nhiên liệu đốt khác có sự hồi phục chậm. Ngoài ra, các nhiên liệu đốt khác như khí đốt, dầu mỏ cũng gặp tình trạng gián đoạn tương tự, dẫn tới một số doanh nghiệp bắt đầu tích trữ quá mức và thổi phồng giá và nhu cầu.

Cuối cùng, Trung Quốc vẫn tiếp tục thắt chặt kiểm soát ô nhiễm thông qua cắt giảm công suất than. Mặc dù phần công suất cắt giảm tương đối nhỏ so với Trung Quốc, nhưng vì đây là nước chiếm tới khoảng 50% thị phần sản xuất than thế giới, nên ảnh hưởng lớn tới nhu cầu và giá than tại những nước còn lại.
 

Theo dự báo của IMF và IEA, thị trường than thế giới sẽ sớm hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2022. Nhu cầu than sẽ chững lại và chỉ tăng trưởng 2% so với cùng kỳ trong năm 2022 trong khi giá than cũng được dự báo sẽ chỉ tăng 7% so với mức trung bình 2021 và có thể giảm từ 10%-15% so với mức đỉnh khi các yếu tố gây sốt giá sớm được tháo gỡ, nguồn cung than dự kiến tăng mạnh và hoạt động logistic dần phục hồi.
 

SSI Research: Doanh nghiệp ngành than Việt Nam vẫn chưa thể hưởng lợi từ cơn bão giá thế giới - Ảnh 1.

Đánh giá tại thị trường than Việt Nam, SSI Research cho biết giá than nội địa không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ 2 đơn vị được phép khai thác và bán than là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc. Theo đó, giá than chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3 - 4 năm/lần.

Trong năm 2021, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho EVN khi Chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh. SSI Research ước tính giá than năm 2021 dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Về phía nhập khẩu, giá than nhập khẩu của Việt Nam tăng đồng pha với thế giới, với mức tăng trung bình 83% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Trong bối cảnh giá than tăng mạnh, SSI Research đánh giá các ngành công nghiệp ở Việt nam sẽ bị ảnh hưởng chính bao gồm nhiệt điện, xi măng, luyện kim và phân bón. Cụ thể, bởi vì giá than thế giới tăng đột biến so với than trong nước, do đó các ngành có tỷ lệ than nhập trên tổng than sử dụng cao như xi măng (66%), sắt thép (88%), phân bón (74%) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp nhiệt điện sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do tỷ lệ than nhập mới chỉ chiếm 24% tổng than sử dụng và Chính phủ cũng ưu tiên nguồn than trong nước cho nhiệt điện.

SSI Research: Doanh nghiệp ngành than Việt Nam vẫn chưa thể hưởng lợi từ cơn bão giá thế giới - Ảnh 2.

Ngành than chưa thể hưởng lợi sớm từ "cơn bão giá" than toàn cầu

Đối với riêng ngành than, đây là các doanh nghiệp được cho sẽ nhận tác động trực tiếp khi giá than tăng phi mã. Tuy nhiên, dưới sự quản lý chặt chẽ thì SSI Research nhận định hầu hết ngành than sẽ chưa thể hưởng lợi từ cơn sốt than hiện tại.

Theo đó, tổng doanh thu của đơn vị sản xuất lớn nhất là TKV trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 95 nghìn tỷ đồng, nhích nhẹ 2,1% so với cùng kỳ. Song, sản lượng than tiêu thụ lại giảm 1,3% về mức 29,6 triệu tấn (-1,3% YoY) do tình hình giãn cách xã hội kéo dài và huy động nhiệt điện giảm sút vì sản lượng điện tái tạo tăng mạnh.

Trong khi đó, giá than thế giới tăng khiến chi phí sản xuất than cũng tăng cao do TKV và Đông Bắc đang phải nhập khẩu khoảng 20 - 25% lượng than để trộn với than trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa. Đồng thời, chi phí nhiên liệu cũng tăng mạnh khiến việc khai thác than trở nên đắt đỏ hơn.

Trong nửa cuối năm 2021, các doanh nghiệp than chưa có quá nhiều triển vọng về tăng giá bán hay đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ. Tầm nhìn sang năm 2022, SSI Research cho rằng ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh từ 10 – 15% do chi phí sản xuất than đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Nhờ đó, các doanh nghiệp khai thác than đang niêm yết cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý việc giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường, do đó dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.

SSI Research: Doanh nghiệp ngành than Việt Nam vẫn chưa thể hưởng lợi từ cơn bão giá thế giới - Ảnh 3.

Phương Linh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị